PHÁT HUY NĂNG LỰC CỦA PHỤ NỮ TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA
Lượt xem: 95

Trong thời gian qua, phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng có đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển đất nước, tiêu biểu là tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động đạt 78,2% so với nam giới là 86%, trong đó có một số lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới(4). Địa vị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ ngày càng được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới được Đảng và Nhà nước quan tâm và được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Sớm nhận diện được thời cơ và thách thức do cuộc Cách mạng 4.0 đem lại, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Nghị quyết số 52). Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch như Nghị quyết số 50/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; mới đây là Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đều xác định tận dụng có hiệu quả những cơ hội, giảm thiểu rủi ro mà cuộc Cách mạng 4.0 đem lại, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Các hoạt động của phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh mới đang ngày càng được khẳng định. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ tham gia của lao động nữ quý I năm 2023 là 62,9%, như vậy đóng góp về lực lượng lao động trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội nói chung và chuyển đổi số nói riêng sẽ có tỷ lệ tương ứng. Điều này càng khẳng định và phù hợp với chủ đề toàn cầu của Ngày Quốc tế phụ nữ “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” và hướng ứng chủ đề của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Các hoạt động này đã ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong đổi mới, công nghệ và giáo dục số; đồng thời xác định những tác động của chuyển đổi số đối với vấn đề gia tăng bất bình đẳng giới, bất bình đẳng về kinh tế, xã hội.

 Đối với phụ nữ, chuyển đổi số có vị trí rất quan trọng trong cuộc sống. Khi ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, thành tựu của chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao chất lượng của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng, giúp họ có thể tiếp cận tới công nghệ mới, giảm bớt áp lực công việc và việc làm, có khả năng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cũng như cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, còn đó những khó khăn và thách thức như: các mối quan hệ mới chưa có tiền lệ sẽ phát sinh, những mối quan hệ truyền thống bị thay đổi hoặc chấm dứt, nguồn nhân lực không kịp đào tạo lại để đáp ứng các yêu cầu mới, an toàn, an ninh và quyền riêng tư bị xâm phạm và có thể làm gia tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, đa phần phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ mới chỉ đảm nhận các vị trí như kiểm tra, thử nghiệm, bán hàng, marketing, nhân sự... Có nhiều lý do dẫn đến việc tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này còn hạn chế, như còn thiếu các chính sách và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ và vẫn còn nhiều định kiến giới về phụ nữ và công nghệ. Bên cạnh đó, rào cản về chuẩn mực xã hội và kỳ vọng về vai trò của phụ nữ trong gia đình đã và đang là các rào cản đối với phụ nữ tiếp cận tới công nghệ số trong khi công nghệ số đã và đang thay đổi mô hình, tác phong làm việc. Một số khu vực việc làm sẽ cần ít lao động hơn dẫn tới lao động nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn, phụ nữ cũng là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng và dễ bị lạm dụng trên không gian mạng. Làm thế nào để phá bỏ rào cản và trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện cũng là thách thức đối với nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay.

 Trong thời gian tới, toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của công nghệ số. Điều này sẽ làm cho hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia. Theo đó, xin gợi mở một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập, “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, phù hợp với yêu của giai đoạn cách mạng mới.

 Thứ nhất, cần tiếp tục, xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và phong trào phụ nữ. Tập trung hoàn thiện và thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập với những giá trị thời đại gắn với giá trị truyền thống: yêu nước, đoàn kết, trung hậu, đảm đang, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo và phát triển toàn diện.

 Thứ hai, nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xóa bỏ khuôn mẫu giới trong các chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp. Tăng cường giáo dục có chất lựng cho phụ nữ, dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong tương lai để cung cấp cho phụ nữ những thông tin đầy đủ, phù hợp nhất trong bối cảnh mới. Khuyến khích các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế.

 Thứ ba, thực hiện giảm khoảng cách giới, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và các vùng đặc biệt khó khăn. Vấn đề tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản của phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhận thức của cả nam và nữ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản còn nhiều bất cập. Để rút ngắn khoảng cách về bình đẳng giới, công nghệ có thể được coi như một cầu nối để phụ nữ trau dồi kiến thức, hòa nhập với lợi ích tập thể, cá nhân và gia đình. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ các nhóm phụ nữ yếu thế, đặc thù...

 Thứ tư, chú trọng hơn nữa công tác cán bộ nữ theo hướng ngày càng hiện đại, phát triển và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ Trung ương đến địa phương cần có sự quan tâm thấu đáo, có trọng tâm, trọng điểm đối với công tác quy hoạch cán bộ nữ. Cần xác định việc tạo điều kiện cho phụ nữ có thể tham gia các công tác lãnh đạo, quản lý là trách nhiệm và công việc quan trọng của Đảng và Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương để phát huy tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.

 Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, đề xuất chính sách an sinh xã hội, các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, cao tuổi, lao động nữ di cư. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương; thực hiện Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030”.

 Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức cho hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của Hội nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý chí vươn lên cùng khát vọng bảo vệ và xây dựng đất nước thịnh vường, hùng cường, hội nhập quốc tế./.

Tin tức
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1